Tết Trung thu: Nguồn gốc và ý nghĩa

      Tết Trung thu là ngày tết của trẻ em với nhiều nét văn hóa rất đẹp của người dân Việt Nam bởi ý nghĩa và các hoạt động diễn ra trong ngày đó.

      Tết trung thu là dịp để thể hiện sự hiếu thảo, lòng biết ơn, tri ân và báo hiếu đối với gia đình, cũng là dịp đoàn tụ của những người con xa quê sum họp cùng ông bà, bố mẹ, mọi người được quây quần phá cỗ, cùng nhau ngắm trăng ước nguyện. Tết Trung thu còn có các tên gọi khác như Tết Thiếu nhi, Tết Trông trăng hay Tết Đoàn viên.

Tết Trung thu 2021 là ngày bao nhiêu?

     Tết trung thu được tổ chức vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch (15/8) hằng năm. Vì vậy, năm nay (2021), Tết Trung thu rơi vào thứ 3, ngày 21/9/2021 dương lịch (15/8/2021 lịch âm).

Nguồn gốc Tết Trung thu

     Dù không thể nói chính xác Tết Trung thu có ở Việt Nam khi nào, nhưng theo các nhà khảo cổ học thì có từ thời xa xưa, cảnh đón Tết Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

     Tết Trung thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, nhà nông hoàn thành việc thu hoạch vụ mùa nên tổ chức vui chơi, ăn mừng và cầu nguyện cho mùa sau mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu.

 

     Các sự tích về Trung thu Việt Nam gắn với chú Cuội. Nếu như người Trung Quốc tổ chức múa rồng trong dịp này thì người Việt lại múa sư tử hay múa lân - linh vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và điềm lành. 

     Trung thu của Việt Nam ngày này phần lớn nghiêng về trẻ em, vào ngày này các em thường được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he… và được ăn bánh Trung thu. Người ta cũng tổ chức bày cỗ, trông trăng vào đêm rằm tháng 8. Xưa, người Việt còn tổ chức hát trống quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu, khi đêm xuống và trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.

Ý nghĩa Tết Trung thu

     Vào ngày Tết Trung thu, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ vật để dâng lên ban thờ tổ tiên. Đây là dịp để con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn với nguồn cội, tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.

     Ngoài ra, vào ngày này người lớn sẽ chuẩn bị mâm cỗ trông trăng để các cháu được phá cỗ. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi, và nhiều loại hoa quả khác. Bên cạnh đó, mỗi cháu sẽ được cầm một lồng đèn thắp bằng nến hoặc chạy bằng pin để cùng nhau rồng rắn đi rước đèn.

 

 

     Cuộc sống hiện đại khiến nhiều nơi không còn có thể tổ chức phá cỗ trông trăng, nhưng việc dành thời gian cùng gia đình cắt miếng bánh, uống chén trà hàn huyên bên nhau cũng đủ đem lại cảm giác yên bình, hạnh phúc và tinh thần đoàn viên của Trung thu truyền thống. Và đặc biệt, trẻ em vẫn luôn là nhân vật trung tâm của ngày vui này, với ý nghĩa chăm sóc cho các mầm non của đất nước, để Việt Nam luôn thịnh vượng, trường tồn.

Tin cùng chuyên mục